Nhà thờ Đức Bà – địa điểm nổi tiếng được coi như linh hồn của vùng đất Sài thành. Mỗi du khách từ phương xa tới đây, ai cũng muốn ghé thăm nhà thờ, chụp vài tấm ảnh, rồi để lại những kỉ niệm khó quên ở nơi này.Tại sao lại có sức hút kì lạ đến như vậy? Cùng chúng mình đi tham quan một vòng, để hiểu rõ hơn về nhà thờ Đức Bà xưa nhé.
Table of Contents
Sơ lược về nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính toà của tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Tên chính thức của nhà thờ là vương cung thánh đường chính toà Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Đây là một kiệt tác kiến trúc 141 năm tuổi, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Bourad. Tên gọi ban đầu là nhà thờ Sài Gòn, sau khi đặt bức tượng Đức Mẹ trước khuôn viên thì cái tên nhà thờ Đức Bà bắt đầu được sử dụng.
Vị trí nhà thờ Đức Bà
Địa chỉ chính xác của nhà thờ Đức Bà hiện nay nằm ở số 1 Công Xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Thực ra lúc ban đầu, nhà thờ được đề xuất ở 3 vị trí: thứ nhất là ở Trường Thi cũ (góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng ngày nay), thứ hai ở khu Kinh Lớn (nay thuộc đường Nguyễn Huệ), và cuối cùng là vị trí hiện tại.
Lịch sử nhà thờ Đức Bà
Việc xây dựng nhà thờ này bắt nguồn từ năm 1860, ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Pháp cho tu sửa một ngôi chùa bỏ hoang thành nhà thờ, làm nơi hành lễ cho người Công giáo trong quân đội. Tới năm 1876, một cuộc thi kiến trúc cho nhà thờ mới được diễn ra. Và người được trọng dụng là Bourad – kiến trúc sư tài năng với bản thiết kế mang phong cách kiến trúc Roma cải biên pha lẫn đặc trưng Gothic.
Nhà thờ bắt đầu đi vào xây dựng năm 1877 và hoàn thành trong 3 năm (1880). Lúc bấy giờ, nhà thờ có tên là nhà thờ Nhà Nước do được đầu tư và xây dựng bởi nhà nước.
Năm 1959, sau khi đặt bức tượng Đức Mẹ ở trước khuôn viên nhà thờ. Từ đó, nhà thờ chính thức mang tên nhà thờ Đức Bà cho tới ngày nay.
Kiến trúc của nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà có chiều dài 93m, rộng 36m và cao 60,5m. Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được trọng tải gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc nhà thờ nằm bên trên. Đặc biệt, nhà thờ không hề có tường rào bao quanh như các nhà thờ khác.
Bên trong thánh đường gồm chính điện ở giữa, 2 gian phụ hai bên, tiếp nữa là dãy nhà nguyện. Vào giờ lễ, nhà thờ có thể chứa tới 1200 người phía trong.
Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính, mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong thánh kinh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 ô cửa là còn nguyên vẹn như xưa, những cửa kính còn lại đều đã bị thay thế do các cửa kính màu nguyên thủy của nhà thờ đã vỡ gần hết trong thế chiến thứ 2.
Nhà thờ có 2 tháp chuông, có tất cả 6 chuông gồm 6 âm: đô, rê, mi, sol, la, si. Tổng khối lượng của chuông rơi vào 27 tấn. Các chuông được điều khiển bằng điện tử phía dưới. Khi mới hoàn thành,nhà thờ chưa có tháp chuông. Cho đến năm 1895, hai tháp chuông nhọn mới được bổ sung. trong một thời gian dài, tháp chuông nhà thờ Đức Bà trở thành điểm cao nhất của cả thành phố. Những du khách đi tới bằng đường biển sẽ đều nhìn thấy ngọn tháp chuông trước tiên.
Mặt trước nhà thờ có khuôn viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Đứng giữa khuôn viên là bức tượng Đức Mẹ Hoà Bình, được điêu khắc vào năm 1959 bởi nhà điêu khắc G. Ciocchetti. Bức tượng nặng tới 8 tấn và được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng của Ý. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm quả địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ hướng lên trên bầu trời như đang cầu nguyện cho thế gian được hoà bình.
Những giá trị nhà thờ Đức Bà đem lại
Nhà thờ Đức Bà là một kiệt tác mang nét đẹp truyền thống xen lẫn hiện đại, là một công trình tiêu biểu tạo nên nét đặc sắc của Sài Gòn. Khi nhắc đến nhà thờ Đức Bà, nghĩa là đang nhắc đến Sài Gòn.
Mỗi năm nhà thờ đều đón tới hàng triệu du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm ngưỡng, rồi cầu nguyện. Tuy đã trải qua hơn trăm năm và rất nhiều biến động nhưng công trình đó vẫn hiên ngang đứng vững giữa lòng thành phố, như một phần không thể thiếu của nơi này.
Kết bài
Tính tới thời điểm này, nhà thờ Đức Bà đã tồn tại được 141 năm trên mảnh đất Sài thành, không hề bị mai một mà còn để lại những dấu ấn lịch sử, những giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân. Đây là nơi mà bạn nhất định phải đến ít nhất 1 lần trong đời, để có thể trải nghiệm hết những tinh hoa, nét đẹp của nhà thờ Đức Bà xưa để lại nhé.